Lượt xem: 3684
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA MIẾU BÀ CHÚA XỨ MỸ ĐÔNG - NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẦU TIÊN TỈNH SÓC TRĂNG
13/04/2021
Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông hiện tọa lạc tại ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia tại Quyết định số 62/2003/QĐ-BVHTT ngày 27/11/2003.
Trong những năm đầu của thế kỷ XX, các trào lưu yêu nước chịu ảnh hưởng từ nhiều hệ tư tưởng, nhiều phong trào đấu tranh mang tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ và không hiệu quả. Đó là do khủng hoảng chung về đường lối cách mạng, về vai trò lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến đối với xã hội lúc bấy giờ.
Tại làng Mỹ Quới, từ năm 1928 đã có Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuối năm 1929, các hội viên được xét chuyển thành đảng viên An Nam Cộng sản Đảng và năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi 3 tổ chức Đảng Cộng sản trong nước được hợp nhất.
Tháng 6/1930, tại chợ Kha-Na-Rộn (chợ Mỹ Quới) Chi bộ Mỹ Quới được thành lập gồm các đồng chí: Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu, Trương Quí Thể, Trần Văn Tám, Châu Văn Phát,... do đồng Châu Văn Phát làm Bí thư, sau đó không lâu tổ chức Đảng cấp trên đề cử đồng chí Trần Văn Bảy làm Bí thư Chi bộ và dời địa điểm sinh hoạt về Miếu Bà Mỹ Đông.
Từ khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần văn Bảy đã bám sát tình hình địa phương để lãnh đạo các phong trào. Qua các hình thức hoạt động công khai để ngấm ngầm tuyên truyền và gây dựng cơ sở, nhiều lớp huấn luyện được mở liên tục nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Qua đó, Chi bộ chọn lọc và kết nạp nhiều thanh niên ưu tú vào Đảng, từ đó thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển.
Miếu Bà Mỹ Đông, xã Mỹ Quới được xem là chiếc nôi cách mạng, trong suốt 6 năm (1930 - 1936) Chi bộ Mỹ Quới luôn giữ vai trò lãnh đạo của một tổ chức Đảng tiên phong, gương mẫu, cũng từ đây rất nhiều đồng chí đã trưởng thành và sau này trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước ta./.